Đăng nhập

Tên đăng nhập
Mật khẩu

Video

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến 1
Hôm nay 41
Tháng này 83943

Dạy và học bằng bản đồ tư duy

Một phương pháp dạy học mới đang gây được sự chú ý của rất nhiều người, đó là học bằng bản đồ tư duy (BÐTD) - hình thức ghi chép nhằm tìm tòi, đào sâu, mở rộng ý tưởng, hệ thống hóa một chủ đề hay một mạch kiến thức... bằng cách kết hợp việc sử dụng đồng thời hình ảnh, đường nét, mầu sắc, chữ viết, với sự tư duy tích cực không chỉ tạo hứng thú cho học tập của học sinh mà còn góp phần đổi mới và làm phong phú các phương pháp giáo dục.

 

 

Nếu so sánh với phương pháp dạy học truyền thống chỉ chú trọng đọc - chép thì dạy học bằng BÐTD là một phương pháp mới. Theo Tiến sĩ Trần Ðình Châu, Vụ trưởng, Giám đốc Dự án phát triển giáo dục THCS 2, một số kết quả nghiên cứu cho thấy bộ não người sẽ hiểu sâu, nhớ lâu và in đậm cái mà chính mình suy nghĩ, tự viết, vẽ ra. Vì vậy, việc sử dụng BÐTD giúp học sinh học tập một cách tích cực, huy động tối đa tiềm năng của bộ não; giúp cho mỗi người phát triển khả năng thẩm mỹ do việc thiết kế nó phải bố cục mầu sắc, đường nét, các nhánh, sắp xếp các ý tưởng một cách khoa học, lô-gích, dễ hiểu. Sử dụng BÐTD góp phần đổi mới phương pháp dạy học, nhất là vận dụng vào dạy học kiến thức mới hoặc hệ thống hóa kiến thức phù hợp với từng đối tượng khác nhau.

 

Tại Trường THCS Hoàng Xuân Hãn (Ðức Thọ, Hà Tĩnh), sau hơn 20 năm dạy học, thầy giáo Nguyễn Thanh Tùng, giáo viên toán lớp tám cho biết, từ khi thực hiện chương trình BÐTD áp dụng vào dạy và học đã tạo sự tích cực cho học sinh; giáo viên và học sinh làm việc nhiều hơn nhưng thấy thoải mái và hứng thú hơn. Còn Phó Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) thì cho rằng, trước đây quá trình dạy học BÐTD (ở mức độ đơn giản như sơ đồ, bảng biểu) đã có ở những bài tổng kết được các thầy giáo, cô giáo thực hiện nhưng chưa hoàn chỉnh, bài bản và chưa áp dụng thường xuyên. Kể từ khi tiếp nhận chương trình có tính hệ thống của Dự án giáo dục THCS 2, việc dạy học theo BÐTD giúp học sinh khái quát được vấn đề và phát huy tính chủ động, sáng tạo. Kinh nghiệm cho thấy, để đưa BÐTD ứng dụng vào quá trình dạy và học, các trường có thể vẽ trên giấy, bìa, bảng phụ, sử dụng bút chì mầu, phấn, tẩy,... hoặc cũng có thể thiết kế trên powerpoint hay các phần mềm bản đồ tư duy. Với các trường, đơn vị có điều kiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tốt có thể cài vào máy tính phần mềm cho cán bộ, giáo viên, học sinh sử dụng. Tuy nhiên, việc dùng giấy, bút chì, bút mầu, tẩy,... để vẽ BÐTD có ưu điểm là giúp người lập BÐTD dễ dàng phát triển ý tưởng và bổ sung ý tưởng qua đó phát huy tối đa tính sáng tạo của mỗi người, phát triển năng khiếu hội họa, sở thích của mỗi người, được tự do chọn mầu sắc (xanh, đỏ, vàng, tím,...), đường nét (đậm, nhạt, thẳng, cong...), tự ’sáng tác’ nên mỗi BÐTD thể hiện rõ cách hiểu, cách trình bày kiến thức của từng cá nhân và cũng do mỗi người tự làm nên càng yêu quý, trân trọng ’tác phẩm’ của mình. Với vật liệu dễ kiếm, rất kinh tế, cách làm đơn giản, BÐTD có thể vận dụng được với bất kỳ điều kiện nào của các nhà trường hiện nay.

Theo các chuyên gia giáo dục, kết quả nghiên cứu và thực nghiệm sử dụng BÐTD dạy học ở một số trường tại Hà Nội và Bắc Giang cho thấy, nếu được hình thành thói quen vẽ BÐTD kiến thức sẽ giúp cho học sinh hứng thú, sáng tạo và nhớ lâu, vận dụng tốt kiến thức đã học. Ðối với học sinh trung bình, cần tập cho học sinh có thói quen tự ghi chép hoặc tổng kết một vấn đề, một chủ đề đã đọc và học theo cách hiểu của các em dưới dạng BÐTD. Cách làm này sẽ rèn luyện cho học sinh hướng tới cách suy nghĩ lô-gích, mạch lạc, giúp các em hiểu bài, ghi nhớ kiến thức vào não chứ không phải là học thuộc lòng, học ’vẹt’. Giáo viên có thể hướng dẫn, gợi ý để các em tự hệ thống kiến thức trọng tâm, kiến thức cần nhớ của mỗi bài học vào một trang giấy; có thể vẽ chung trên một cuốn vở hoặc để thành các trang giấy rời, rồi kẹp thành một tập. Mỗi bài học được vẽ kiến thức trọng tâm trên một trang giấy giúp các em dễ ôn tập, xem lại kiến thức khi cần, chỉ cần rút tờ BÐTD của bài đó ra là các em nhanh chóng ôn lại kiến thức một cách dễ dàng. Ðối với học sinh giỏi sử dụng BÐTD để tìm chiến lược giải quyết một vấn đề hoặc tìm hiểu hướng giải một bài tập, phương pháp hệ thống hóa kiến thức. Ðối với giáo viên chủ nhiệm hoặc cán bộ quản lý sử dụng BÐTD giúp có cái nhìn tổng quát toàn bộ kế hoạch từ chỉ tiêu, phương hướng, biện pháp... từ đó dễ dàng nắm bắt, theo dõi quá trình triển khai. Giáo viên sẽ tiết kiệm được thời gian, tăng sự linh hoạt trong bài giảng ngày càng được bổ sung thêm về nội dung làm giàu thêm ’kho tư liệu’, nhất là giúp học sinh nắm được kiến thức thông qua một ’sơ đồ’ thể hiện các liên kết chặt chẽ của tri thức. Ðó cũng chính là một trong những cách làm thiết thực triển khai nội dung dạy học có hiệu quả - một trong năm nội dung của phong trào thi đua ’Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực’.

 

                                                                                                                                                                          Theo GD-TĐ

Tin liên quan